Vì sao ngân hàng "nội" chuộng nhân sự "ngoại"?

Thị trường tiền tệ giữa năm 2013 không còn những làn sóng thay tướng như thời kỳ năm 2010 - 2012 nhưng “soi” vào từng ngân hàng có thể thấy họ đã củng cố cho mình đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là nhóm nhân sự người nước ngoài. 

Ngân hàng “nội” chuộng nhân sự “ngoại”

Nhìn lại thị trường tiền tệ, ngân hàng từ những năm 2010 -2012, một trong những điểm nổi bật là “làn sóng” thay tướng, những vị trí chủ chốt của ngân hàng này dịch chuyển sang ngân hàng khác. Đây cũng là thời điểm nhiều ngân hàng thay đổi nhận diện thương hiệu, đầu tư công nghệ, nâng cấp dịch vụ, ráo riết kiếm tìm đối tác chiến lược. 

Và trong “làn sóng” thay tướng này, nhiều ngân hàng tuyển dụng dàn lãnh đạo người nước ngoài như MaritimeBank với tổng giám đốc người Ấn Độ, Mekong Bank tuyển tổng giám đốc người Singapore, Techcombank tuyển tổng giám đốc quốc tịch Anh… Hay như tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), bên cạnh việc thu hút được một đội ngũ lãnh đạo, quản lý cao cấp đến từ các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, VPBank còn tuyển dụng được một đội ngũ chuyên gia tư vấn người nước ngoài giàu kinh nghiệm.

Bà Nguyễn Thị Bích Huyền, Giám đốc Khối Quản trị Nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết: “Thời gian qua, bên cạnh đội ngũ chuyên gia tư vấn người nước ngoài, chúng tôi rất tự hào chào đón hơn 10 cán bộ nhân viên người nước ngoài gia nhập và đảm nhiệm những trọng trách lớn tại VPBank như: Ban giám đốc Khối khách hàng cá nhân, giám đốc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, giám đốc Khối Vận hành, Ban giám đốc Khối quản trị Rủi ro, Quản lý Dự án lớn về công nghệ thông tin, Thẻ, Kênh thay thế, E-banking… 

“Họ không chỉ mang đến VPBank một bề dầy kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức đa quốc gia lớn như Citi Bank, ANZ, Standard Chartered Bank, ING Bank, HSBC…mà còn được giao những sứ mệnh quan trọng trong việc huấn luyện, “ chuyển giao công nghệ” và thay đổi phong cách quản lý và làm việc theo hướng mở, tiên tiến, với các suy nghĩ tích cực. Họ cũng là các chuyên gia giỏi trong việc xây dựng các nền tảng, qui trình hoạt động và kiểm soát của ngân hàng”, đại diện VPBank cho biết.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc ngân hàng thay đổi nhân sự để phù hợp với chiến lược kinh doanh là điều rất bình thường, xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong tương lai gần. Việc ngân hàng thương mại cổ phần trong nước thuê CEO nước ngoài là một xu thế không thể bỏ qua, bởi trước áp lực cạnh tranh gay gắt từ 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, các ngân hàng nội muốn cạnh tranh phải có CEO và chiến lược đủ tầm. Các ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang tăng trưởng nhanh về tín dụng và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cá nhân nhưng khá an toàn trong khi nhiều ngân hàng nội chưa đạt được. Điều này cũng liên quan đến vai trò của tổng giám đốc.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính cho rằng, việc thay đổi CEO của một số ngân hàng trong thời gian qua có liên quan đến vấn đề tái cơ cấu của ngân hàng cho phù hợp với xu hướng, định hướng phát triển của HĐQT. Ngoài ra, cũng không ít ngân hàng có nhu cầu thay đổi lãnh đạo do nhu cầu nội bộ, có nghĩa, thay CEO không liên quan đến vấn đề tái cơ cầu, M&A mà vì kỷ luật nội bộ, năng lực…

Đãi ngộ nhân tài bằng môi trường làm việc và lương, thưởng

Sau một giai đoạn “củng cố” nguồn nhân lực, đến năm nay, việc ngân hàng thay tướng không còn diễn ra rầm rộ như những năm trước. Đây được xem là giai đoạn đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng với sự đòi hỏi ngày càng khắt khe của cuộc cạnh tranh giành thị phần khách hàng, củng cố uy tín trên thị trường. 

“Con người luôn là tài sản quí báu nhất của tổ chức. VPBank tin tưởng và tạo điều kiện để mỗi cá nhân có thể phát huy khả năng, năng lực của mình, để có thể đóng góp, cống hiến tốt nhất. Chúng tôi tin tưởng vào sự “đa dạng”của đội ngũ cán bộ nhân viên, tạo sức mạnh để vượt qua các thách thức trong giai đoạn chuyển đổi”, lãnh đạo VPBank cho hay.

Theo dự báo, đến năm 2015 nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính khoảng 94.000 người, năm 2020 là 120.900 người. Nếu các cơ sở đào tạo không thay đổi chiến lược đào tạo nguồn nhân lực thì đến năm 2015 lực lượng lao động chất lượng cao trong ngành sẽ thiếu trầm trọng. Ở nhiều lĩnh vực chuyên sâu, các tổ chức tài chính phải chi phí rất nhiều để thuê các chuyên gia nước ngoài như: chiến lược phát triển mạng lưới, quản trị rủi ro, đầu tư quốc tế…

Trước thực trạng này, nhiều ngân hàng đã chú trọng vào việc xây dựng và đưa vào triển khai các Hệ thống quản trị nhân sự tiên tiến, làm nền tảng vững chắc để tạo lợi thế cạnh tranh về con người và phát triển bền vững. Điển hình như tại VPBank, ngân hàng này đã xây dựng Hệ thống Quản lý hiệu quả làm việc (PMS), cũng như Hệ thống Lương thưởng: tiếp cận theo hướng đưa ra các giải pháp cạnh tranh tổng thể về các chế độ đãi ngộ: bằng tiền mặt (lương trả cho vị trí công việc, thưởng thành tích kinh doanh, các loại trợ cấp theo tính chất công việc, yếu tố vùng miền…) hay bằng các chương trình phúc lợi ngắn và dài hạn, cho cán bộ nhân viên và cho gia đình.

“VPBank sẽ là một trong những nhân hàng TMCP tiên phong trong việc xây dựng một hệ thống đào tạo và học tập bài bản, một lộ trình công danh rõ ràng tới từng vị trí chủ chốt trong tổ chức. Dự án Khung năng lực cốt lõi và Bộ Năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho các Khối Kinh doanh đã được lãnh đạo phê duyệt và đang được triển khai trên toàn hệ thống. Các khảo sát nhân sự cho thấy chế độ đãi ngộ đơn lẻ chỉ là một công cụ rất ngắn hạn để thu hút, nhưng một môi trường làm việc thân thiện, nơi mà CBNV được tôn trọng, được tham gia ra quyết định trong phạm vi công việc đảm nhiệm, được huấn luyện, có được cơ hội thử thách, được trải nghiệm để thành công… lại là yếu tố quyết định trong việc tăng sự gắn kết của CBNV đối với tổ chức,“ giữ chân nhân tài”, lãnh đạo VPBank nhấn mạnh. 

 

VPBank NEO