Tiêu sản là gì? Sự khác nhau giữa tiêu sản và tài sản

Tiêu sản là gì? Tìm hiểu sự khác nhau giữa tiêu sản và tài sản để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Xây dựng nền tảng tài chính kiên cố cho tương lai

Trong cuộc sống hiện đại, khái niệm "tiêu sản" và "tài sản" ngày càng trở nên quen thuộc, đặc biệt là với những ai quan tâm đến quản lý tài chính cá nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ sự khác nhau giữa hai thuật ngữ này và tác động của chúng đến tình hình tài chính. Vậy nên, dưới đây VPBank sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ về hai loại tài chính này và lý do tại sao phân biệt được chúng lại quan trọng đến vậy.

1. Tài sản và tiêu sản là gì?

Đầu tiên, để có thể phân biệt tiêu sản và tài sản, mọi người cần hiểu rõ khái niệm của hai thuật ngữ này như sau:

1.1. Tài sản là gì?

Tài sản là những thứ bạn dùng tiền của mình để mua và có quyền sở hữu. Hầu hết các tài sản sẽ có tiềm năng sinh lời trong tương lai, mang lại cho bạn một nguồn thu nhập đáng kể. 

Tài sản thường có khả năng tăng trưởng hoặc tạo ra giá trị ngang bằng hoặc lớn hơn so với chi phí ban đầu bạn đã đầu tư vào chúng. Ví dụ phổ biến về tài sản là bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu, hoặc các khoản đầu tư sinh lợi khác.

Xem thêm: Tài sản thế chấp là gì? Có những loại nào? Quy định mới

Tài sản sẽ có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai

1.2. Tiêu sản là gì?

Tiêu sản cũng là những thứ bạn bỏ tiền ra để mua và sở hữu nhưng khác với tài sản, giá trị của tiêu sản có xu hướng giảm dần theo thời gian. Không chỉ vậy, tiêu sản còn có thể tiêu tốn một phần thu nhập của bạn vào các chi phí bảo trì, bảo dưỡng, hoặc sửa chữa. 

Mặc dù loại hình này cũng có thể mang lại một chút thu nhập nhưng giá trị mà chúng đem lại thường thấp hơn nhiều so với chi phí ban đầu đã bỏ ra. Ví dụ như: Xe cộ, đồ điện tử cao cấp hoặc các khoản chi tiêu không tạo ra lợi nhuận lâu dài.

Khác với tài sản, tiêu sản sẽ giảm giá trị dần theo thời gian

2. Phân biệt tài sản và tiêu sản? 

Tài sản và tiêu sản là hai mặt đối lập của tài chính. Mặc dù cả hai đều yêu cầu người sử dụng chi tiền để sở hữu, nhưng ý nghĩa và tác động tài chính của chúng lại khác nhau. Trong khi tài sản giúp tăng giá trị tài chính của người sở hữu, tạo ra nguồn thu nhập hoặc giá trị tăng trưởng theo thời gian, tiêu sản lại giảm giá trị và làm tiêu tốn thêm tiền. 

Ví dụ, tài sản có thể là các khoản đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, hoặc các mô hình kinh doanh sinh lời. Ngược lại, tiêu sản như ô tô, điện thoại hoặc các khoản nợ tín dụng chỉ làm giảm giá trị tài chính và gia tăng chi phí cho chủ sở hữu.

Tài sản và tiêu sản là hai mặt đối lập của tài chính

3. Có nên mua tiêu sản hay không?

Việc mua tiêu sản phụ thuộc vào mục tiêu tài chính và mức độ tài chính cá nhân của mọi người. Tiêu sản thường là những tài sản không sinh ra thu nhập hoặc làm giảm giá trị theo thời gian, ví dụ như xe hơi, đồ điện tử, hoặc những khoản chi tiêu không tạo ra giá trị lâu dài.

Việc sở hữu tài sản và tiêu sản phụ thuộc vào tài chính của bạn

3.1. Khi nào nên mua tiêu sản?

Dù tiêu sản không có khả năng sinh lời trong tương lai, nhưng việc sở hữu tiêu sản không phải là điều gì đó xấu. Ngược lại, tiêu sản là một phần không thể thiếu để giúp cuộc sống của chúng ta trở nên vui vẻ và tiện lợi hơn rất nhiều. 

Bạn có thể nâng tỉ trọng sở hữu tiêu sản một chút khi:

  • Khi đã ổn định tài chính: Nếu bạn đã có nguồn thu nhập ổn định và quỹ tiết kiệm an toàn, việc mua tiêu sản để đáp ứng nhu cầu cá nhân có thể là hợp lý.

  • Phục vụ cuộc sống và trải nghiệm cá nhân: Đôi khi, tiêu sản đem lại giá trị tinh thần, giúp bạn tận hưởng cuộc sống. Nếu bạn đã lên kế hoạch và đảm bảo khả năng chi trả, tiêu sản có thể được coi là một khoản đầu tư vào chất lượng sống.

Xem thêm: Khám phá quy tắc 6 chiếc lọ - quản lý tài chính thông minh

3.2. Khi nào không nên mua tiêu sản?

Tuy nhiên như đã nói, tiêu sản không có khả năng sinh lời, nên việc sở hữu quá nhiều tiêu sản hay mua tiêu sản có giá trị lớn là điều không nên trong những trường hợp:

  • Khi chưa có nền tảng tài chính vững chắc: Nếu tình hình tài chính chưa ổn định hoặc đang trong giai đoạn tích lũy tài sản, việc mua tiêu sản có thể làm giảm khả năng đạt mục tiêu tài chính dài hạn.

  • Nếu mua tiêu sản bằng nợ: Sử dụng khoản vay để mua tiêu sản có thể làm tăng áp lực tài chính, đặc biệt nếu bạn phải trả lãi suất cao, vì tiêu sản không mang lại thu nhập hoặc giá trị lâu dài.

4. Làm thế nào để giảm những tiêu sản xấu?

Việc sở hữu nhiều tiêu sản xấu – những thứ không mang lại giá trị lâu dài và thường tiêu tốn nhiều chi phí có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính cá nhân. Để giảm thiểu các tiêu sản xấu và tăng cường quản lý tài chính, bạn có thể áp dụng một số phương pháp hiệu quả sau:

4.1. Tìm hiểu chuyên sâu về kiến thức tài chính

Hiểu rõ sự khác biệt giữa tài sản và tiêu sản, cũng như cách chúng ảnh hưởng đến tài chính của bạn, sẽ giúp bạn có cái nhìn sáng suốt hơn khi đưa ra quyết định chi tiêu. 

Học hỏi về quản lý tài chính, đầu tư và các chiến lược tiết kiệm sẽ giúp mọi người phân bổ ngân sách một cách hợp lý, tránh mua sắm những tiêu sản không cần thiết và lựa chọn những tài sản mang lại giá trị trong tương lai.

4.2. Lập kế hoạch thu chi hợp lý

Lập kế hoạch thu chi chi tiết sẽ giúp bạn kiểm soát dòng tiền hiệu quả, hạn chế những khoản chi tiêu không cần thiết và tập trung vào các khoản đầu tư có lợi ích lâu dài. 

Đặt ra các mục tiêu tài chính rõ ràng và xem xét lại kế hoạch thu chi thường xuyên để đảm bảo mọi người không lãng phí tiền vào những tiêu sản xấu mà thay vào đó là các khoản đầu tư khôn ngoan.

Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết cách chi tiêu hợp lý cho gia đình 4 người

Lập kế hoạch chi thu rõ ràng, minh bạch

4.3. Hạn chế vay nợ và giảm nợ

Vay nợ để mua tiêu sản không chỉ khiến bạn chịu thêm lãi suất vay mà còn tăng gánh nặng tài chính. Hạn chế vay nợ tiêu dùng và ưu tiên trả các khoản nợ hiện có sẽ giúp bạn giảm áp lực tài chính, đồng thời ngăn chặn việc tiêu tốn thêm thu nhập cho những khoản chi phí không tạo ra giá trị dài hạn.

5. Gợi ý những cách tận dụng tiêu sản tốt nhất 

Mặc dù dành quá nhiều tiền cho tiêu sản không phải là điều tốt, nhưng các tiêu sản cũng có thể đóng góp vào đời sống tinh thần của mọi người. Để tối ưu giá trị của chúng, bạn có thể áp dụng những cách sau để biến tiêu sản thành tài sản:

5.1. Cho thuê lại để tạo thêm thu nhập

Nếu bạn sở hữu một tiêu sản như ô tô hoặc máy ảnh mà không sử dụng thường xuyên, hãy cho thuê lại. Điều này giúp giảm lãng phí, đồng thời biến tiêu sản thành một khoản đầu tư sinh lời. Bạn có thể cho bạn bè hoặc người quen thuê, hoặc tận dụng các nền tảng trực tuyến để tìm khách hàng.

Việc cho thuê tiêu sản khi không sử dụng sẽ giúp bạn tối ưu tài chính

5.2. Tận dụng công năng của tiêu sản để hỗ trợ công việc

Với các đồ vật như điện thoại thông minh, hãy sử dụng chúng vào mục đích công việc để tạo thêm thu nhập. Bạn có thể thử kinh doanh online, làm freelancer chụp ảnh sản phẩm, viết content, hoặc thậm chí mở dịch vụ tư vấn online – các hoạt động này sẽ giúp chiếc điện thoại trở thành công cụ hỗ trợ kiếm tiền, mang lại giá trị cao hơn so với mục đích giải trí đơn thuần.

Bạn có thể sử dụng tiêu sản để tạo thêm thật nhiều giá trị

Có thể bạn quan tâm:

Như vậy, với kiến thức mà VPBank chia sẻ trên, hy vọng mọi người đã nắm rõ hơn về khái niệm "tiêu sản" và "tài sản" cùng sự khác biệt giữa chúng. Việc hiểu đúng và biết cách phân loại sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định tài chính hiệu quả hơn. Từ đó xây dựng nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai. 

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào hay muốn biết thêm thông tin chi tiết, bạn có thể truy cập vào www.vpbank.com.vn hoặc liên hệ tổng đài 1900.54.54.15 để được hỗ trợ
Đăng ký ngay