Hạn mức tín dụng là gì? Hướng dẫn cách nâng hạn mức tín dụng

Việc sử dụng thẻ tín dụng hiện nay rất phổ biến. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về tín dụng và hạn mức khoản vay tín dụng. Dưới đây là những thông tin quan trọng về hạn mức tín dụng bạn cần nắm rõ trước sử dụng.


1. Hạn mức tín dụng là gì?

Hạn mức tín dụng (tiếng Anh là Line of credit) là giới hạn mức cho vay tối đa trong của tổ chức tín dụng. Đây chính là số dư nợ cho vay hay số dư nợ tối đa vào một thời điểm nhất định. Và thời điểm này thường là cuối quý, cuối năm được quy định trong kế hoạch tín dụng của từng ngân hàng.


Hạn mức tín dụng là số tiền cho vay tối đa của một khoản vay


Tính đến thời điểm hiện tại, thuật ngữ này được sử dụng rất rộng rãi trong các khoản vay bởi dịch vụ tín dụng của ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã phổ biến. Tuy nhiên, với các tổ chức tín dụng và khách hàng, các con số này có ý nghĩa khác nhau:

  • Với ngân hàng, hạn mức tín dụng được xem là công cụ thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đối với mục đích hạn chế dư nợ tín dụng tối đa trong nền kinh tế của tổ chức tín dụng. 

  • Đối với khách hàng, con số này được ngân hàng quy định trong hợp đồng tín dụng dựa vào nhiều yếu tố khi đăng ký xét duyệt tùy thuộc hình thức vay, mục đích vay, tài sản đảm bảo,... Nếu ngân hàng giải ngân đúng bằng số tiền cần thiết cho khoản vay, bạn đã được cấp đủ tài chính cho kế hoạch của mình.

 

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến hạn mức tín dụng

Hạn mức tín dụng áp dụng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng ảnh hưởng bởi 5 yếu tố sau:

  • Hình thức vay: Tùy thuộc cách thức vay, bạn sẽ nhận được hạn mức khác nhau. Vay tín chấp thường có hạn mức thấp hơn các khoản vay có tài sản đảm bảo.

  • Mục đích vay: Ngân hàng và các tổ chức tín dụng có chính sách ưu đãi dành cho các khoản vay của một số ngành nghề. Nếu bạn vay đầu tư cho các ngành nghề, lĩnh vực này, hạn mức s,ẽ tốt hơn. Ngoài ra, các khoản vay tiêu dùng thường có hạn mức thấp hơn các khoản vay kinh doanh, vay mua nhà, mua đất,...

  • Giá trị tài sản đảm bảo: Một số tài sản có giá trị thường được dùng để thế chấp cho khoản vay: sổ tiết kiệm, ô tô, sổ bảo hiểm, giấy tờ nhà đất,... Sử dụng các tài sản này, hạn mức vay có thể lên đến 100% giá trị tài sản.


Ô tô có thể dùng làm căn cứ xác định hạn mức tín dụng.


  • Phương án vay vốn: Kế hoạch vay vốn và trả nợ khả thi kèm chứng minh tài chính, mục đích xác thực, bạn có khả năng được vay với hạn mức tốt hơn. Lúc này, ngân hàng đang đánh giá cao khả năng thanh toán của khoản vay này. 

  • Lịch sử tín dụng: Những người có lịch sử tín dụng sạch sẽ: không có nợ xấu, thanh toán nợ đầy đủ và đúng hạn, sử dụng vốn vay đúng mục đích cam kết,... thường được xét duyệt với hạn mức tốt nhất.

  • Số tiền đang vay các tổ chức tín dụng khác: Không hiếm trường hợp một người sử dụng tài sản đó để vay nhiều khoản tại một hoặc nhiều ngân hàng. Lúc này, hạn mức vay sẽ được tính trên cơ sở trừ đi các khoản vay đang thực hiện này.


3. Các trường hợp áp dụng hạn mức tín dụng

Hạn mức tín dụng áp dụng trong hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng theo hai trường hợp sau:

  • Hạn mức tín dụng do pháp luật quy định: Tổ chức tín dụng chỉ được cho khách hàng vay trong giới hạn cho phép. Đây là giới hạn do Nhà nước đặt ra nhằm đảm bảo an toàn đối với hoạt động tín dụng. Ở nhiều nước, hạn mức tín dụng có thể được quy định theo độ an toàn trong kinh doanh của tổ chức tín dụng và yêu cầu quản lý của Nhà nước.

  • Hạn mức tín dụng do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận: Trường hợp này sẽ thỏa thuận theo hợp đồng tín dụng dựa trên giới hạn mà pháp luật quy định trong một khoảng thời gian nhất định. Dựa trên cơ sở hạn mức tín dụng thỏa thuận, tổ chức tín dụng có nghĩa vụ đảm bảo cấp khoản vay cho khách hàng theo kỳ hạn.


4. Phân loại hạn mức tín dụng

Hạn mức tín dụng được phân loại theo thời điểm và theo loại hình vay. Cụ thể như sau:


4.1 Theo thời điểm

  • Hạn mức tín dụng cuối kỳ: Là số dư nợ cho vay kế hoạch tối đa vào ngày cuối kỳ mà số dư nợ cho vay thực tế cuối kỳ không được vượt quá.

  • Hạn mức tín dụng trung kỳ: Là hạn mức bổ sung cho hạn mức tín dụng cuối kỳ. Trong trường hợp này do hoạt động kinh doanh của đơn vị vay vốn không đều đặn, dẫn đến nhu cầu vay vốn vượt quá hạn mức tín dụng cuối kỳ. Khi đó hạn mức tín dụng này là chênh lệch số dư nợ cho vay cao nhất trong kỳ với hạn mức cho vay cuối kỳ, nên số vay nợ bổ sung phải được hoàn trả ngay trong kỳ để đảm bảo số dư nợ thực tế cuối kỳ phù hợp hạn mức tín dụng cuối kỳ quy định.


4.2 Theo loại hình vay

  • Hạn mức khoản vay là số tiền cho vay tối đa cho một khoản vay. Số tiền này sẽ được giải ngân theo tiến độ sử dụng vốn hoặc 1 lần.

  • Hạn mức thẻ tín dụng là số tiền tối đa mà chủ thẻ có thể chi tiêu trên tất cả các kênh thanh toán: trực tiếp qua thẻ, rút tiền mặt (nếu có). Số tiền này được cấp nhiều lần trong tháng để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của chủ thẻ.


Thẻ tín dụng có hạn mức cao đáp ứng nhu cầu tài chính của nhiều người


5. Điều kiện cấp hạn mức tín dụng

Tuỳ vào từng ngân hàng khác nhau mà điều kiện cấp hạn mức tín dụng cũng khác nhau. Cụ thể như sau:

  • Đối với các doanh nghiệp trong nước có thời gian hoạt động kinh doanh liên tục từ 12 tháng trở lên tính từ thời điểm đăng ký kinh doanh. Hoặc doanh nghiệp có xác nhận của địa phương về thời gian kinh doanh thực tế từ 12 tháng trở lên.

  • Các ngành nghề kinh doanh phải phù hợp với mục đích vay vốn, phương án kinh doanh của doanh nghiệp,...

  • Yêu cầu phương án kinh doanh phải có tính khả thi, chứng minh đủ năng lực tài chính và khả năng trả nợ.

  • Có tài sản đảm bảo có giá trị đảm bảo cho khoản vay.

  • Yêu cầu không có nợ xấu tại các ngân hàng hay tổ chức tín dụng khác.


6. Hướng dẫn cách thay đổi hạn mức tín dụng

Bạn hoàn toàn có thể thay đổi hạn mức tín dụng. Dưới đây là các điều kiện và thủ tục thay đổi hạn mức bạn cần nắm rõ.


6.1. Điều kiện thay đổi hạn mức

Bạn có thể thay đổi hạn mức khoản vay khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Thu nhập

  • Bạn cần chứng minh thu nhập hiện tại cao hoặc thấp hơn mức thu nhập thời điểm đăng ký phát hành thẻ để yêu cầu tăng hoặc giảm hạn mức thẻ của bạn.

  • Hoặc bạn cần chứng minh tài sản đảm bảo với ngân hàng như: sổ tiết kiệm, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, giấy tờ nhà đất,... nhiều hơn hoặc ít đi so với thời điểm đăng ký mở thẻ để tăng/ giảm hạn mức tín dụng.

  • Lịch sử tín dụng

Lịch sử tín dụng căn cứ vào các yếu tố như: thanh toán nợ đúng và đủ kỳ hạn, sử dụng thẻ đúng mục đích, hạn chế tối đa rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, hạn chế số lượng thẻ tín dụng đồng sở hữu trong cùng ngân hàng, kiểm soát chi tiêu và hạn chế phát sinh nợ mới.

Nói không với nợ xấu để có hạn mức tín dụng tốt


Xem thêm: Hướng dẫn 3 cách kiểm tra nợ xấu tiện lợi nhất


6.2. Thủ tục thay đổi hạn mức

Thủ tục tăng hay giảm hạn mức thẻ tín dụng cũng khá đơn giản:

  • Khách hàng cần điền phiếu yêu cầu tăng hạn mức tín dụng.

  • Chuẩn bị bản sao hợp đồng lao động gần nhất.

  • Sao kê bảng lương ba tháng gần nhất có xác nhận của ngân hàng.

Dựa vào những chứng từ bạn cung cấp, ngân hàng sẽ xét duyệt hạn mức mới cho bạn. Lưu ý, nếu bạn làm thẻ tín dụng bằng cách ký quỹ, bạn cần mang thêm tiền ký quỹ và điền vào mẫu đơn yêu cầu tăng/ giảm hạn mức thẻ tín dụng theo hướng dẫn. 


6.3. Cách thay đổi hạn mức tín dụng

Nếu muốn tăng/ giảm hạn mức vay tiền, bạn cần ra ngân hàng thực hiện theo các bước sau:

Thay đổi hạn mức tín dụng tại quầy giao dịch


  • Bước 1: Đến chi nhánh/ phòng giao dịch gần nhất của ngân hàng cần thay đổi hạn mức.

  • Bước 2: Xuất trình giấy tờ cá nhân cho giao dịch viên và yêu cầu tăng hoặc giảm hạn mức.

  • Bước 3: Chờ thẩm định và nhận kết quả. Thời gian chờ đợi khoảng 2 - 3 tuần, tùy thuộc quy định mỗi ngân hàng.


Xem thêm:


Đọc đến đây, bạn đã nắm rõ hạn mức tín dụng là gì và làm thế nào để thay đổi con số này sao cho phù hợp nhất với nhu cầu tài chính của mình. Nếu bạn cần hỗ trợ thêm thông tin về chỉ tiêu này của khoản vay, hãy để lại tin nhắn dưới bài viết này, VPBank sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.
Đăng ký ngay
VPBank NEO

Có thể bạn quan tâm