Hạn mức thẻ tín dụng là gì? 2 cách nâng hạn mức đơn giản nhất

Hạn mức thẻ tín dụng là gì? Hướng dẫn chi tiết 2 cách nâng hạn mức thẻ đơn giản và nhanh chóng nhất dành cho người đang sử dụng thẻ ngân hàng VPBank

Thẻ tín dụng đang ngày càng trở nên phổ biến và thân thuộc trong đời sống hiện đại, giúp bạn dễ dàng chi tiêu mà không lo lắng về việc mang tiền mặt. Tuy nhiên, một câu hỏi mà không ít người dùng thẻ tín dụng thắc mắc chính là: "Hạn mức thẻ tín dụng là gì và làm sao để thay đổi hạn mức thẻ tín dụng?" Chính vì thế VPBank sẽ chia sẻ cụ thể và chi tiết các thông tin này qua các nội dung sau!

1. Hạn mức thẻ tín dụng là gì?

Hạn mức thẻ tín dụng chính là khoản tiền tối đa mà ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng cấp cho chủ thẻ sử dụng thông qua thẻ tín dụng. Mỗi ngân hàng phát hành thẻ quy định hạn mức tối đa cho từng loại thẻ riêng biệt. Thậm chí khi cùng sử dụng một loại thẻ tín dụng nhưng hạn mức cho từng khách hàng cũng khác nhau. 

Điểm đặc biệt của hạn mức thẻ tín dụng là tính linh hoạt - bạn có thể sử dụng toàn bộ hoặc một phần hạn mức, và sau khi thanh toán, hạn mức sẽ được khôi phục để bạn tiếp tục sử dụng. 

Mỗi thẻ tín dụng sẽ có hạn mức khác nhau

Trong một số trường hợp nhất định, một số ngân hàng chấp nhận các giao dịch vượt hạn mức của thẻ tín dụng quy định kèm theo phí vượt hạn mức. Do đó, bên cạnh việc nắm rõ hạn mức thẻ bạn cần kiểm tra phí vượt hạn mức nhằm cân đối tiêu dùng các loại thẻ này để tránh các khoản phí phát sinh không mong muốn.

Hạn mức thẻ tín dụng được ngân hàng quy định dựa vào lịch sử tín dụng, thu nhập, tài sản đảm bảo,... của chủ thẻ khi đăng ký mở ban đầu. Thông thường thẻ tín dụng cơ bản có hạn mức dưới 100.00.000 đồng, trong khi thẻ đen cho phép chi tiêu lên đến hàng tỷ đồng.

2. Các loại hạn mức thẻ tín dụng

Mỗi thẻ tín dụng có hạn mức riêng và có liên quan đến một số lợi ích riêng của thẻ như hoàn tiền rút tiền mặt,... Thực tế, không phải thẻ nào cũng có các quyền lợi này.

  • Hạn mức tín dụng của thẻ (còn gọi là tổng hạn mức tín dụng thẻ) là số tiền tối đa trong 1 tháng mà chủ thẻ được phép chi tiêu qua tất cả các kênh thanh toán: trực tiếp qua thẻ, rút tiền mặt,... 

  • Hạn mức khả dụng là số tiền còn lại mà bạn có thể sử dụng sau khi đã thực hiện các giao dịch chi tiêu. Hạn mức này được tính bằng cách lấy hạn mức tín dụng của thẻ trừ đi các khoản đã chi tiêu cùng các khoản phí phát sinh. Ví dụ: Nếu thẻ của bạn có hạn mức tín dụng là 60 triệu đồng và bạn đã chi tiêu 20 triệu đồng, hạn mức khả dụng còn lại là 40 triệu đồng. Sau khi thanh toán hết 20 triệu đồng đã chi tiêu, hạn mức khả dụng sẽ quay trở lại 60 triệu đồng.

  • Hạn mức giao dịch ngày là số tiền tối đa trong 1 ngày mà chủ thẻ được phép chi tiêu bằng các kênh thanh toán được thẻ tín dụng ghi nhận. Thông thường, hạn mức này được tính bằng tổng hạn mức tín dụng chia trung bình cho 30 ngày.

  • Hạn mức thanh toán qua thẻ là số tiền tối đa chủ thẻ trong 1 tháng thanh toán trực tiếp qua thẻ (không bao gồm rút tiền mặt). Với nhiều thẻ tín dụng, hạn mức thanh toán qua thẻ bằng với tổng hạn mức tín dụng, nhưng một số thẻ có thể đặt ra giới hạn riêng cho các loại giao dịch thanh toán.

  • Hạn mức rút tiền mặt là số tiền mặt tối đa trong 1 tháng hoặc 1 ngày mà chủ thẻ có thể rút tại cây ATM, phòng giao dịch ngân hàng. Khi rút tiền mặt, chủ thẻ có thể cần thanh toán một khoản phí theo quy định riêng của từng ngân hàng.

  • Hạn mức hoàn tiền là mức chi tiêu tối thiểu trực tiếp bằng thẻ tín dụng trong đó chủ thẻ sẽ được hoàn lại một tỷ lệ % tương ứng theo quy định trên số tiền chi tiêu thực tế đó. 

  • Hạn mức thẻ phụ: Nếu bạn mở thẻ phụ cho người thân, hạn mức này sẽ được chia sẻ từ hạn mức tổng của thẻ chính. Chủ thẻ chính có thể thiết lập giới hạn chi tiêu cụ thể cho thẻ phụ, nhưng tổng chi tiêu của cả thẻ chính và thẻ phụ không vượt quá hạn mức tổng.

3. Cách xác định hạn mức thẻ tín dụng

Về bản chất tín dụng như một khoản vay ngân hàng, tiêu trước trả sau. Độ tín nhiệm của bạn càng cao thì hạn mức thẻ tín dụng của bạn càng cao. Nhưng làm thế nào ngân hàng có thể đánh giá mức độ tín nhiệm của bạn? Sau đây là một số yếu tố quan trọng mà các ngân hàng dựa vào đó để đánh giá cấp hạn mức đối với thẻ tín dụng tương ứng:

  • Thu nhập: Thu nhập là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hạn mức tín dụng. Ngân hàng thường yêu cầu chứng minh thu nhập thông qua sao kê lương, hợp đồng lao động hoặc tờ khai thuế. Thu nhập càng cao và ổn định thì khả năng bạn được cấp hạn mức lớn càng cao. 

  • Lịch sử tín dụng: Lịch sử tín dụng tốt không chỉ đơn giản là không có nợ xấu. Ngân hàng còn đánh giá nhiều yếu tố khác như: Số lượng thẻ tín dụng đang sử dụng, thói quen thanh toán nợ đúng hạn, thời gian sử dụng các sản phẩm tín dụng,... Điểm tín dụng càng cao, lịch sử tín dụng càng tốt, không có khoản vay nợ xấu, thanh toán đúng hạn,... là cơ sở để ngân hàng xét duyệt hạn mức tín dụng cho thẻ của bạn cao hơn.

  • Nghề nghiệp và mức độ ổn định của công việc: Nghề nghiệp và sự ổn định trong công việc chứng minh khả năng thanh toán dài hạn của bạn. Ngân hàng thường xem xét kỹ lưỡng thông tin nghề nghiệp trong hồ sơ đăng ký. Nếu bạn có công việc ổn định, làm việc tại các công ty lớn hoặc có thâm niên cao trong ngành thì khả năng sẽ được cấp hạn mức cao hơn.

  • Tính chất công việc, ngành nghề: Một số lĩnh vực, ngành nghề được ưu tiên hỗ trợ hạn mức tín dụng cao hơn so với ngành nghề khác. Điều này tùy thuộc vào chính sách tín dụng của từng ngân hàng.

Qua việc xét duyệt kỹ lưỡng các yếu tố quy định, ngân hàng sẽ quyết định loại thẻ, hạn mức thẻ phù hợp với đánh giá và khả năng chi tiêu - thanh toán của từng khách hàng.

Chi tiêu cùng thẻ tín dụng VPBank hạn mức hấp dẫn

4. Cách kiểm tra hạn mức thẻ tín dụng được ngân hàng cấp

Việc theo dõi và kiểm tra hạn mức thẻ tín dụng là một phần quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân. Ngân hàng đã tạo nhiều phương thức tiện lợi giúp chủ thẻ dễ dàng theo dõi hạn mức được cấp cũng như hạn mức khả dụng còn lại. Dưới đây là các cách phổ biến để kiểm tra hạn mức thẻ tín dụng:


  • Gói chào đón của ngân hàng phát hành thẻ: Thông tin hạn mức thẻ tín dụng thường được nêu rõ trong thư chào mừng và tài liệu đi kèm khi bạn được phê duyệt thẻ mới.

  • Máy ATM: Đưa thẻ tín dụng vào máy ATM và chọn chức năng kiểm tra thông tin tài khoản để xem hạn mức cơ bản của thẻ.

  • Trực tiếp tại chi nhánh ngân hàng: Đến chi nhánh ngân hàng phát hành thẻ, xuất trình giấy tờ tùy thân và thẻ tín dụng để kiểm tra thông tin hạn mức thẻ tín dụng. 

  • Tổng đài dịch vụ khách hàng: Gọi đến số điện thoại hỗ trợ của ngân hàng phát hành thẻ để được cung cấp thông tin chi tiết sau khi xác minh danh tính.

  • Internet Banking và Mobile Banking: Đăng nhập vào tài khoản internet banking hoặc mobile banking để kiểm tra hạn mức thẻ tín dụng, đây là phương thức phổ biến và tiện lợi nhất.

  • Sao kê thẻ tín dụng: Bảng sao kê hàng tháng hiển thị đầy đủ thông tin về hạn mức tổng, số dư nợ hiện tại và hạn mức khả dụng còn lại.

5. Hạn mức thẻ tín dụng có thay đổi được không?

Có thể.

Ngân hàng có quy trình tăng hay giảm hạn mức của thẻ tín dụng khác nhau dựa trên đánh giá nhu cầu tài chính và điểm tín dụng trong quá trình sử dụng thẻ thực tế. Khi đó, ngân hàng có thể xem xét tự động tăng hạn mức tương ứng cho tín dụng của chủ thẻ. Ngoài ra, bạn có thể nộp yêu cầu xét duyệt tăng hạn mức thẻ nếu có nhu cầu.

5.1 Tăng hạn mức tín dụng tự động

Nhiều ngân hàng thực hiện đánh giá định kỳ đối với các khách hàng hiện tại và có thể tự động tăng hạn mức thẻ tín dụng cho những chủ thẻ có lịch sử sử dụng tốt. Việc tăng hạn mức này được xem như một phần thưởng cho việc sử dụng thẻ tín dụng có trách nhiệm trong thời gian dài.

Khi hạn mức được tự động thay đổi, ngân hàng thường gửi thông báo cho chủ thẻ. Nếu không đồng ý với hạn mức mới, chủ thẻ có quyền liên hệ ngân hàng để yêu cầu giữ nguyên hạn mức cũ.

5.2 Chủ động yêu cầu tăng hạn mức thẻ tín dụng

Nếu ngân hàng chưa tự động tăng hạn mức mà chủ thẻ có nhu cầu, bạn có thể chủ động gửi yêu cầu đến ngân hàng. Tùy theo chính sách của từng ngân hàng, chủ thẻ có thể thực hiện yêu cầu này qua các kênh như: tổng đài dịch vụ khách hàng, internet banking, mobile banking hoặc trực tiếp tại chi nhánh.


Điều kiện để được xét duyệt tăng hạn mức cũng khác nhau giữa các ngân hàng. Nhiều tổ chức tín dụng chỉ xem xét yêu cầu tăng hạn mức khi khách hàng đã sử dụng thẻ từ 6 tháng hoặc 1 năm trở lên. Khi yêu cầu tăng hạn mức, chủ thẻ nên chuẩn bị các giấy tờ như:

  • Đơn yêu cầu tăng hạn mức tín dụng

  • Sao kê lương mới nhất

  • Hợp đồng lao động gần nhất

  • Các chứng từ chứng minh thu nhập tăng (nếu có)

6. Cách nâng hạn mức thẻ tín dụng tại VPBank?

Hạn mức áp dụng cho các thẻ tín dụng ngân hàng hiện nay có thể dao động từ 10.000.000 đồng cho đến 2.000.000.000 đồng và thậm chí là không cố định. Do vậy, các ngân hàng cũng cho phép khách hàng tăng - giảm hạn mức theo khả năng tài chính của bản thân. Dưới đây là những điều kiện và cách thực hiện để tăng hạn mức của thẻ tín dụng VPBank mà bạn có thể tham khảo.

6.1. Điều kiện nâng hạn mức

Điều kiện xét duyệt tăng hạn mức đối với thẻ tín dụng ngân hàng dựa trên những yếu tố sau:

  • Thu nhập tăng: Bạn cần chứng minh thu nhập hiện tại với ngân hàng cao hơn thu nhập khi đăng ký mở thẻ. Hoặc bạn cần cho ngân hàng thấy bạn đang sở hữu tài sản khác như: sổ tiết kiệm, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, giấy tờ nhà đất,...

  • Lịch sử tín dụng tốt: Dựa vào thói quen giao dịch thẻ tốt tạo nên lịch sử giao dịch tốt như: thanh toán nợ đúng, đủ kỳ hạn; sử dụng thẻ đúng mục đích; hạn chế tối đa việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng; kiểm soát chi tiêu, hạn chế phát sinh nợ mới.

Điểm tín dụng cao, lịch sử tín dụng tốt là điều kiện cần để tăng hạn mức cho thẻ.

6.2 Cách ngân hạn mức thẻ tín dụng tại VPBank

Tăng hạn mức thẻ tín dụng VPBank tự động


VPBank thực hiện đánh giá định kỳ 3 tháng một lần để xét duyệt tăng hạn mức tự động cho khách hàng. Để được xem xét, chủ thẻ cần: Sử dụng thẻ thường xuyên cho các giao dịch hàng ngày; Duy trì lịch sử tín dụng tốt; Thanh toán đúng hạn và đầy đủ các khoản nợ. VPBank sẽ tự động đánh giá và thông báo khi hạn mức được nâng lên mà không cần khách hàng yêu cầu.


Chủ động yêu cầu tăng hạn mức thẻ


Trực tiếp tại chi nhánh: Chủ thẻ có thể chủ động yêu cầu tăng hạn mức bằng cách:

  1. Đến phòng giao dịch hoặc chi nhánh VPBank gần nhất

  2. Điền đơn yêu cầu nâng hạn mức thẻ

  3. Cung cấp giấy tờ chứng minh thu nhập đã tăng (hợp đồng lao động mới, bảng lương, sao kê tài khoản)

  4. Nộp tiền ký quỹ (nếu thẻ của bạn được phát hành theo hình thức ký quỹ)

  5. Nộp đơn đã điền đầy đủ thông tin cho nhân viên ngân hàng và chờ kết quả thẩm định

Qua ngân hàng trực tuyến (VPBank Online): Đăng nhập vào hệ thống ngân hàng trực tuyến của VPBank

  1. Truy cập mục "Tiện ích" > "Hạn mức chi tiêu"

  2. Chọn "Tăng hạn mức chi tiêu thẻ"

  3. Điền đầy đủ thông tin theo yêu cầu và ấn "Gửi"

  4. Kiểm tra lại thông tin và xác nhận

  5. Nhập mã OTP gửi về số điện thoại đã đăng ký để hoàn tất quy trình và chờ kết quả thẩm định

Tăng/giảm hạn mức thẻ của VPBank với thủ tục đơn giản

7. Kinh nghiệm nâng hạn mức tín dụng thẻ thành công 100%

Thẻ tín dụng có thể được nâng hạn mức tự động hoặc chủ động. Tuy nhiên, để đảm bảo tăng hạn mức thành công, bạn nên lưu ý một số điểm sau:

  • Sử dụng thẻ liên tục: Ngân hàng chỉ xét duyệt tăng hạn mức khi bạn đã sở hữu thẻ tín dụng từ 6 tháng đến 1 năm trở lên. Lúc này, ngân hàng có cơ sở đánh giá mức độ chi tiêu, điểm tín dụng của bạn rõ ràng hơn.

  • Chứng minh thu nhập: Thu nhập là điều kiện tiên quyết để xác định khả năng trả nợ. Vì thế, bạn hãy dùng các chứng từ tốt nhất để chứng minh thu nhập thực tế của mình.

  • Tạo sự tín nhiệm: Ngân hàng đặc biệt đánh giá cao những khách hàng có thiện chí trả nợ đúng hẹn, đầy đủ và kiểm soát chi tiêu tốt, sử dụng thẻ đúng mục đích,... 

Xem thêm:

Bạn vừa cùng VPBank tìm hiểu các thông tin liên quan đến hạn mức thẻ tín dụng và cách tăng hạn mức thẻ đơn giản, nhanh chóng. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho những bạn nào đã và đang có nhu cầu mở thẻ tín dụng. Bạn cũng có thể mở thẻ tín dụng VPBank với nhiều ưu đãi, đa dạng loại thẻ, hạn mức cao, hãy triuy cập ngay website https://www.vpbank.com.vn/ca-nhan/the-tin-dung hoặc liên hệ tổng đài 1900.54.54.15 để biết thêm chi tiết.


Đăng ký ngay

Có thể bạn quan tâm