Tín phiếu Kho bạc là gì? Những điều cần biết trước khi mua

Chính phủ là một tổ chức đặc biệt có độ uy tín cao. Trong một số trường hợp, cơ quan này cũng cần hỗ trợ tài chính. Lúc này, tín phiếu Kho bạc sẽ được phát hành. Vậy thực chất tín phiếu Kho bạc là gì? Bạn có nên đầu tư mua sản phẩm tài chính này? Hãy cùng VPBank tìm hiểu và có lựa chọn đúng đắn qua các nội dung sau!


1. Tín phiếu Kho bạc là gì?

Tín phiếu Kho bạc (tên tiếng Anh là Treasury bills) là một công cụ vay nợ ngắn hạn được phát hành bởi Kho bạc Nhà nước theo yêu cầu của Chính phủ. Thực chất, đây là một giấy nhận nợ của Chính phủ cam kết hoàn trả đầy đủ gốc và lãi cho người sở hữu.

Với uy tín cao, đây là loại giấy tờ có giá được nhiều nhà đầu tư quan tâm cho danh mục của mình. Trong ngắn hạn, dù lãi suất không quá cao nhưng độ rủi ro của tín phiếu này cực thấp. Các kỳ hạn thường phát hành: 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng.


Tín phiếu Kho bạc được các nước áp dụng cho nhu cầu ngân sách thực tế của Chính phủ tại các thời điểm khác nhau.


2. Đặc điểm của tín phiếu Kho bạc

Là một loại giấy tờ được phát hành bởi cơ quan nhà nước, tín phiếu này mang những điểm đặc trưng sau:

  • Mệnh giá: Tương tự như các loại tín phiếu khác, tín phiếu này thường có mệnh giá 100.000 đồng hoặc là bội số của 100.000 đồng. Và tín phiếu này được phát hành theo hình thức chiết khấu, tức là số tiền mua ban đầu thấp hơn mệnh giá quy định. Cuối kỳ, người sở hữu sẽ nhận lại số tiền tương ứng với mệnh giá tín phiếu.

  • Kỳ hạn: Tín phiếu thường phát hành với thời gian đáo hạn tối đa 1 năm. Một số kỳ hạn phổ biến của loại tín phiếu này: 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng.

  • Lãi suất: Tỷ lệ lãi suất của tín phiếu này được quy định tùy thuộc phương thức phát hành. Nhìn chung, lãi suất này được đánh giá khá thấp so với thị trường.

  • Đối tượng phát hành: Kho bạc thực hiện phát hành loại giấy tờ có giá này theo yêu cầu của Chính phủ.

  • Đối tượng sở hữu: Các ngân hàng thương mại chủ yếu nắm giữ các tín phiếu kho bạc đã phát hành. Ngoài ra, số lượng ít còn lại được sở hữu bởi các tổ chức và trung gian tài chính khác. 

  • Chức năng: Các ngân hàng thương mại nắm giữ tín phiếu này như một khoản dự trữ thứ cấp và đầu tư kiếm lời, dù lãi suất không cao. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng công cụ này cho nghiệp vụ thị trường mở nhằm kiểm soát thị trường tiền tệ, điều tiết lượng tiền lưu thông và thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.


Các ngân hàng thương mại là chủ thể sở hữu chính của công cụ này.


3. Phương thức phát hành tín phiếu Kho bạc

Tín phiếu Chính phủ được mua bán rất nhiều trên thị trường tiền tệ. Đây cũng là một trong những cách thức tạo lập nguồn thu. Kho bạc với sự hỗ trợ từ Ngân hàng Trung ương sẽ thực hiện phát hành tới các tổ chức tín dụng và tổ chức tài chính. Khối lượng tín phiếu được phát hành dựa trên tình hình tài chính thực tế của Ngân sách Nhà nước tại thời điểm xác định. 

Là một loại tín phiếu điển hình do cơ quan nhà nước phát hành, 2 phương thức cơ bản để phát hành giấy tờ này bao gồm:

  • Phương thức bắt buộc: Đây là phương thức ít thực hiện. Khối lượng và lãi suất tín phiếu được phát hành dựa trên quy định cụ thể của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Số liệu này đã được thống nhất giữa Kho bạc và Ngân hàng Nhà nước.

  • Phương thức đấu thầu: Đây là cách thức thực hiện phổ biến nhất. Các đơn vị tham gia đề xuất khối lượng mua và lãi suất. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện lấy theo mức lãi suất từ thấp đến cao cho đến khi đủ khối lượng cần thiết.

Các đơn vị được chỉ định cần nộp số tiền yêu cầu đúng thời hạn và Kho bạc thực hiện trích nợ tại tài khoản thanh toán. Nếu không đủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các chính sách xử phạt theo quy định và thực hiện trích nợ cho tới khi đủ. Quá trình này thường thực hiện trong khoảng 5 ngày làm việc kể từ khi phát hành.

Sau khi hoàn thành, các tổ chức sở hữu nhận được giấy tờ này dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.

Tín phiếu Kho bạc trước đây được phát hành theo hình thức bản cứng


4. Mục đích phát hành tín phiếu Kho bạc

Mục đích chính mà Chính phủ phát hành tín phiếu này nhằm bù đắp thiếu hụt ngân sách nhà nước trong ngắn hạn. Điều này phát sinh do các khoản chi tiêu của ngân sách rất lớn để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an sinh, quốc phòng… cho người dân.

Ngân hàng Trung ương tham gia phát hành theo chỉ định nhằm kiểm soát thị trường tiền tệ và thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia. Thông qua tác động vào hệ thống ngân hàng thương mại - chủ thể nắm giữ chính - Ngân hàng Trung ương thực hiện điều tiết cung cầu vốn trong nền kinh tế linh hoạt hơn.

Các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính khác tham gia mua bán loại giấy tờ có giá này nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro hoạt động tài chính. Điều này đặc biệt có ý nghĩa tại thời điểm kinh tế biến động mạnh.


5. Có nên mua tín phiếu Kho bạc không?

Ưu điểm

Nhược điểm

  • Ít rủi ro

  • Dễ tiếp cận

  • Tính lỏng cao

  • Lãi suất thấp

  • Lợi nhuận được ghi nhận khi đáo hạn


5.1 Ưu điểm

Tín phiếu Kho bạc là một trong những lựa chọn của các ngân hàng thương mại hiện nay bởi:

  • Ít rủi ro: Tín phiếu này được phát hành bởi Kho bạc Nhà nước theo yêu cầu của Chính phủ. Đây là cơ quan đặc biệt được đánh giá cao về độ uy tín và an toàn. Để đáp ứng nguồn vốn trả nợ tín phiếu, Chính phủ có thể áp dụng nhiều biện pháp: dùng ngân sách nhà nước, in thêm tiền, phát hành thêm các giấy tờ có giá khác,... Đa số các tín phiếu được thanh toán đầy đủ và đúng hẹn, trừ các trường hợp bất khả kháng.

  • Dễ tiếp cận: Mệnh giá của tín phiếu khá nhỏ, nhiều chủ thể có thể tham gia đầu tư vào công cụ tài chính này.

  • Tính lỏng cao: Người nắm giữ có thể sử dụng tín phiếu Kho bạc để cầm cố, thế chấp,... nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính trong ngắn hạn. Tỷ lệ chiết khấu của giấy tờ này khá cao do độ rủi ro cực thấp. Thực tế, tín phiếu này được giao dịch khá phổ biến trên thị trường tiền tệ hiện nay.

  • Góp phần thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia: Đây là một trong những công cụ được ưu tiên sử dụng bằng nghiệp vụ thị trường mở. Thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, các tác động sẽ nhanh chóng và rõ rệt hơn đến doanh nghiệp, từ đó, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Điều này giúp Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.

Tín phiếu là công cụ giúp Ngân hàng Trung ương thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế


5.2 Nhược điểm

Bên cạnh các ưu điểm trên, tín phiếu Nhà nước cũng tồn tại một số điểm khiến loại giấy tờ này trở nên kém hấp dẫn hơn:

  • Lãi suất thấp: Do độ an toàn được đánh giá cao nhất nên lãi suất của loại giấy tờ này thuộc mức thấp nhất thị trường.

  • Lợi nhuận được ghi nhận khi đáo hạn: Tín phiếu này được phát hành theo hình thức chiết khấu. Trong thời gian nắm giữ, bạn có thể thế chấp, chiết khấu,... Tại thời điểm đáo hạn, người sở hữu mới tính toán được chính xác lợi nhuận thu được. Nếu bạn nắm giữ từ khi mua đến lúc đáo hạn, lợi nhuận tính theo lãi suất quy định trên tín phiếu.


Có thể bạn quan tâm:


Tín phiếu Kho bạc là công cụ tài chính quan trọng để Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thực hiện các mục tiêu quốc gia. Các tổ chức tài chính nắm giữ giúp tăng tỷ lệ an toàn cho danh mục đầu tư trong ngắn hạn, đặc biệt trong tình hình kinh tế biến động. Vì vậy, bạn hãy cân nhắc trên tình hình kinh tế để quyết định mua hiệu quả nhất.

Giờ thì bạn đã biết tín phiếu Kho bạc là gì và đặc điểm của công cụ tài chính này. Với tư cách là một công cụ đầu tư ngắn hạn an toàn, Chính phủ đã và đang hỗ trợ nền kinh tế phát triển ổn định hơn khi phát hành giấy tờ có giá này. Nếu muốn tìm hiểu về các công cụ tài chính khác, bạn hãy tìm hiểu ngay tại http://www.vpbank.com.vn.

(Thông tin trong bài viết được tham khảo từ thuvienphapluat.vn và luatminhkhue.vn)


Đăng ký ngay
VPBank NEO