Tọa đàm: Số hóa dịch vụ tài chính trong hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ

Ngành ngân hàng chi đến 15.000 tỷ đồng, tương đương 13%-15% doanh thu, đầu tư chuyển đổi số, theo ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc khối khách hàng SME VPBank.

Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, ngành ngân hàng đã tập trung vốn, nhân lực vào công nghệ từ rất sớm, với sự đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Những sản phẩm, dịch vụ tài chính được số hóa góp phần hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh không lo gánh nặng chi phí, thời gian trong giao dịch cùng nhiều tiện ích khác.

Ngân hàng chuyển đổi số trước cả thập kỷ

Chia sẻ tại tọa đàm "Số hóa dịch vụ tài chính trong hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ" trên VnExpress, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết, công tác chuyển đổi số đã được kế hoạch và xây dựng cách đây hàng thập kỷ, trong đó, ngành ngân hàng luôn tiên phong đi trước một bước. Tuy nhiên, chiến lược số hóa chỉ bắt đầu thực sự mạnh mẽ trong một vài năm gần đây, khi đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến tạo ra một cú hích mạnh mẽ với chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Nhiều công nghệ mới thời 4.0 như điện toán đám mây, AI, IoT (internet vạn vật), Big Data (phân tích dữ liệu lớn) được các nhà băng tiếp cận, ứng dụng thành sản phẩm, dịch vụ thân thiện với người dùng.

 
 
 

TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam. Ảnh: NVCC

Lấy dẫn chứng số liệu từ Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, TS Lê Duy Bình cho biết, thời gian vừa qua ngành ngân hàng đã đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng cho công tác chuyển đổi số và bắt đầu gặt hái được những thành quả nhất định. Theo TS Bình đây là một khoản đầu tư rất lớn, đồng thời kéo theo sự đầu tư của rất nhiều ngành khác. Bởi thực tế, chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng ngành ngân hàng, mà cần có cả sự tham gia chuyển đổi số của khách hàng, có sự đối ngẫu của nhiều tổ chức khác trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ, tạo nên một hệ sinh thái tài chính đa dạng và đầy đủ hơn.

Cùng quan điểm với TS Lê Duy Bình, ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ VPBank nhận định, chuyển đổi số là một cả quá trình đòi hỏi sự đầu tư lớn về chất xám, chi phí, không thể thực hiện dễ dàng trong một hai năm mà cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và lâu dài cách đây hơn chục năm. Vì đầu tư chuyển đổi số ngành ngân hàng yêu cầu chi phí rất lớn do tính đặc thù và phức tạp so với các ngành và doanh nghiệp khác.

"Con số 15.000 tỷ đồng đầu tư cho công nghệ đã ngốn khoảng 10%-15% doanh thu trung bình của ngành ngân hàng Việt Nam, trong khi tỷ lệ này của các ngân hàng thế giới còn lớn hơn 20% . Mức chi phí này cũng là một thách thức lớn với ngành", ông Hưng chia sẻ.

Thực trạng chuyển đổi số ngân hàng Việt Nam

Theo ông Đào Gia Hưng, tốc độ số hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng Việt Nam rất nhanh. Về số hóa dịch vụ tài chính, hiện nay nhiều ngân hàng trong nước đã cung cấp được 4 nhóm dịch vụ chính, bao gồm mở tài khoản, thanh toán, cung cấp vốn và hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng. Các nhóm dịch vụ này hiện đã được nhiều ngân hàng triển khai trực tuyến tới tay khách hàng. Khách hàng có thể mở tài khoản, thanh toán nội địa, thanh toán quốc tế, mở L/C (thư tín dụng), nộp hồ sơ vay vốn, được phê duyệt và giải ngân ở bất kỳ nơi nào, thời điểm nào chỉ với một chiếc laptop hoặc smartphone mà không cần trực tiếp đến ngân hàng.


Ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc khối khách hàng Doanh nghiệp nhỏ và vừa VPBank. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ thanh toán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, ví dụ như cổng thanh toán EcomPay, Simplify... giúp doanh nghiệp nhỏ thuận tiện trong giao dịch mua bán, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh.

"Với số hóa các nhóm dịch vụ tài chính trên, doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ tiết giảm được nhiều chi phí, chạy đua được với thời gian, khắc phục được khó khăn trong quản lý tài chính và được ghi nhận lịch sử tín dụng tốt, có lợi cho những lần huy động vốn sau này.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài trước đây rất thấp, chỉ chiếm khoảng 8%. Con số này hiện nay đã được cải thiện rất nhiều nhờ số hóa dịch vụ tài chính. Ngay cả những doanh nghiệp nhỏ ở địa phương cũng có thể xuất khẩu các sản phẩm đặc trưng vùng miền ra nước ngoài nhờ nền tảng thanh toán online.

"Nếu các sản phẩm dịch vụ tài chính chưa được số hóa thì doanh nghiệp không thể giao dịch trên sàn thương mại điện tử, khó mở rộng kinh doanh, xuất khẩu được", bà Bùi Thu Thủy nhận định.

Rào cản từ lỗ hổng pháp lý

Bên cạnh thách thức về vốn đầu tư công nghệ, số hóa các sản phẩm, dịch vụ tài chính còn vấp phải nhiều khó khăn khác liên quan đến nội tại ngân hàng, rủi ro an ninh mạng, đặc biệt những lỗ hổng trong pháp lý đang là rào cản lớn đối trong việc triển khai chuyển đổi số.

Theo TS Bình, số hóa dịch vụ tài chính đòi hỏi sự sáng tạo đáp ứng được những công nghệ tiên tiến, mới nhất, thậm chí chưa có tiền lệ đối với một số lĩnh vực. Tuy nhiên, vướng mắc trong tiến trình chuyển đổi số ngành ngân hàng hiện nay chính là câu chuyện về hành lang pháp lý còn thiếu và không đồng bộ. Ví dụ như Luật Giao dịch điện tử chưa kịp sửa đổi, hay những quy định về chữ kỹ số, tài chính nhúng, chia sẻ dữ liệu, việc định danh khách hàng, giao dịch giữa các ngân hàng, giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng, doanh nghiệp..

"Luật Giao dịch điện tử nếu được sửa đổi, bổ sung sẽ vá được những lỗ hổng về pháp lý, giúp giải quyết được một loạt những khó khăn trong chuyển đổi số ngân hàng", TS Bình nhận định.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam hiện chưa có cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với một số sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư kinh doanh. Điều này có thể là khoảng trống của pháp luật gây rủi ro cho những người tiên phong chuyển đổi số.


 

Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Ngọc Thành

Đại diện phía cơ quan chức năng, bà Bùi Thu Thủy cho biết, pháp luật Việt Nam hiện nay có thể chưa theo kịp được nhu cầu thực tế, bởi những thách thức và khó khăn do đại dịch đến bất ngờ, khiến tiến trình chuyển đổi số quá nhanh. Các cơ quan Nhà nước đã phản ứng nhanh và nỗ lực kịp ban hành các quy định, sửa đổi luật nhưng vẫn phải có độ thận trọng nhất định, đặc biệt trong hệ thống tài chính - ngân hàng, tránh tác động lớn tới nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

"Trong thời gian tới, tôi tin rằng Quốc hội, Chính Phủ sẽ xem xét, sửa đổi các vấn đề về pháp lý giúp đẩy mạnh quá trình số hóa nói chung và số hóa dịch vụ tài chính nói riêng. Bởi, các doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn cần sự hỗ trợ trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong đó rất cần có sự gánh vác chung vai của ngành ngân hàng", bà Thủy nhận định.

 

VPBank NEO